Hiện nay, tiểu đường thai kỳ là bệnh rất hay gặp ở phụ nữ có thai. Nhiều bà mẹ lo lắng vì sợ nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc thay đổi chế độ ăn phù hợp góp phần lớn trong việc cải thiện đường huyết. Vậy các bà bầu bị tiểu đường nên ăn gì? Hãy cũng Thị trường nước ngoài tìm hiểu nhé!
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý hay gặp của phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Ngoài những bệnh tiểu đường typ I hay typ II thường gặp ở người bình thường thì đối với phụ nữ mang thai, do trong cơ thể có sự rối loạn nội tiết khiến insulin không được điều tiết một cách bình thường nên nồng độ glucose duy trì ở mức cao.
Theo nghiên cứu, cứ 100 phụ nữ mang thai thì có 2 đến 10 người mắc bệnh lý này. Việc đường huyết tăng cao trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Do đó việc hiểu biết về vấn đề tiểu đường thai kỳ là cực kỳ quan trọng đối với bất cứ mẹ bầu nào.
Tại sao mẹ bầu hay mắc tiểu đường thai kỳ?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến đường huyết trong cơ thể phụ nữ mang thai tăng cao như vậy. Đầu tiên, trong quá trình mang thai, cơ thể bạn có sự biến đổi về hormon rất mạnh. Những hormon này khiến glucose ở trong máu ít đến được tế bào để tạo ra năng lượng, khiến các phân tử đường tích tụ nhiều ở trong máu. Điều này dẫn đến hệ quả là các tế bào đảo tụy tiết một lượng lớn insulin để điều tiết lại. Tuy nhiên ở một số phụ nữ, insulin không cung cấp đủ hoặc cơ thể ngừng việc sử dụng insulin khiến Glucose trong máu tăng cao dẫn đến bệnh lý tiểu đường thai kỳ.
Thứ hai, phụ nữ mang thai cần phải tiêu thụ một lượng năng lượng rất lớn, do đó mà nhu cầu cần bổ sung đường là rất lớn. Dễ hiểu khi các mẹ bầu thường cảm thấy rất hay đói khi mang thai. Tuy nhiên việc cung cấp quá nhiều thức ăn nhưng cơ thể lại gặp vấn đề trong sản xuất insulin thì việc mắc tiểu đường thai kỳ là hoàn toàn dễ hiểu.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, bạn sẽ gặp phải rất nhiều những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đái tháo đường:
- Tăng cân nhanh chóng, lượng mỡ tích tụ nhiều.
- Lượng đường tăng cao trong máu nhưng chưa chạm đến ngưỡng mắc bệnh tiểu đường.
- Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường.
- Thai phụ trên 25 tuổi.
- Đã từng sinh bé có trọng lượng trên 4kg.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ đến mẹ và bé
Tiểu đường thai kỳ thường có biểu hiện lặng lẽ và âm thầm, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi và người mẹ.
Đối với thai nhi trong bụng mẹ, có thể gặp những biến chứng sau đây:
- Thai nhi có thể bị tăng trưởng quá mức.
- Việc tăng đường huyết có thể khiến sảy thai hoặc đứa bé tử vong ngay sau khi sinh.
- Trẻ sau khi sinh ra có thể mắc một số bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa glucose: Glucose ít được tân tạo từ gan.
- Gây vàng da ở trẻ sơ sinh.
- Gây ra các bệnh lý đường hô hấp: Trẻ có thể tử vong bởi hội chứng nguy kịch hô hấp, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết non ở trẻ em
Đối với mẹ
- Việc có nồng độ glucose trong máu cao ở phụ nữ có thai có thể khiến người mẹ bị tăng huyết áp, từ đó dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, tiền sản giật, suy thận,…
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non, gây nguy hiểm đến con.
- Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ không kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, khiến thai có thể bị nguy hiểm.
- Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2. Ngoài ra, khả năng bị đái tháo đường trong những lần mang thai tiếp theo là rất cao.
- Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có thể mắc những nguy cơ béo phì, rối loạn tâm thần vận động.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Dấu hiệu, điều trị và chế độ ăn
Bà bầu bị tiểu đường phải làm sao?
Đối với trường hợp bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, việc tầm soát bệnh là cần thiết và quan trọng. Trong những tháng thời kỳ mang thai, bạn nên kiểm tra đường huyết định kỳ cùng với siêu âm để có sự chuẩn bị tốt nhất cũng như đề phòng những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Đối với những trường hợp mẹ bầu được chẩn đoán bị tiểu đường, điều cần làm là phối hợp trị liệu với bác sĩ. Việc tuân thủ điều trị của người mẹ là vô cùng quan trọng đối với việc chữa bệnh. Phần lớn, người mẹ sẽ phải thay đổi chế độ ăn và tăng cường vận động để kiểm soát tốt đường huyết của mình.
Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê thêm insulin để làm hạ đường huyết, hỗ trợ việc điều trị một cách hiệu quả nhất. Sau đây là những điều cần phải lưu ý đối với bà bầu bị tiểu đường
Thiết lập kế hoạch ăn uống và chế độ sinh hoạt hợp lý
Việc này là điều vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị bệnh lý này. Do đó kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng mà các mẹ cần lên cho mình một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng nhưng phải hợp lý. Thực đơn quá nhiều đường hay quá hạn chế đường trong đó đều có thể khiến cơ thể gặp những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Nhiều người cho rằng trong thực đơn của bệnh nhân tiểu đường thai kỳ phải kiêng đường hết mức có thể. Tuy nhiên việc không được bổ sung đường có thể khiến cơ thể bị hạ đường huyết một cách đột ngột, gây ra biến chứng nặng, thậm chí là hôn mê, co giật.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bà mẹ nên chia nhỏ bữa ăn của mình để tránh tình trạng đường huyết tăng lên quá cao sau 3 bữa ăn. Ngoài ra việc chia nhỏ bữa ăn có thể giúp việc tính toán lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể một cách chính xác và đảm bảo về khẩu vị của các bà mẹ hơn.
Tăng cường vận động
Việc vận động là cần thiết đối với mẹ bầu là điều cần thiết, không riêng gì với những bệnh nhân tiểu đường thai kỳ. Việc vận động giúp cơ thể tiêu hao một lượng năng lượng lớn thừa thãi tích tụ trong cơ thể gây ra tình trạng béo phì ở mẹ bầu. Ngoài ra việc vận động còn có thể cải thiện tình trạng kháng insulin cũng như làm giảm lượng đường huyết quá cao trong cơ thể.
Việc mang bầu có thể làm tăng áp lực lên chân của các bà mẹ, khiến nhiều người đau nhức và mỏi lưng và không muốn vận động quá nhiều. Tuy nhiên các bác sĩ khuyên các bạn đang mang thai hãy cố gắng đi bộ 2 lần một ngày, mỗi ngày đều đặn 30 phút. Bạn có thể đi cùng với chồng với bạn bè, tìm người đồng hành để quá trình vận động trở nên thú vị hơn.
Bên cạnh đó, bà bầu có thể luyện tập một số bài tập nhẹ nhàng, hạn chế việc đường tích tụ quá nhiều trong máu. Những bài tập này được nhiều chuyên gia thể hình hướng dẫn trên các nền tảng mạng xã hội, các mẹ có thể tham khảo thêm trên đó. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, việc vận động quá mạnh hay thực hiện những hoạt động hay bài tập gây căng giãn cơ thể quá mức là điều nên tránh.
Dùng thuốc
Đối với một số trường hợp dù đã thay đổi chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động nhưng lượng đường huyết vẫn không thay đổi thì việc can thiệp của thuốc là bắt buộc.
Ở Việt Nam, việc dùng thuốc trị tiểu đường thai kỳ rất nghiêm ngặt: Bộ Y Tế chỉ cho phép sử dụng insulin để làm hạ đường huyết đối với phụ nữ mang thai do tính an toàn của thuốc này đối với cả mẹ và con.
Trong quá trình sử dụng thuốc và điều trị tiểu đường thai kỳ, bệnh nhân nên đo đường huyết thường xuyên, ít nhất từ 4 – 6 lần một ngày để kiểm soát lượng đường của cơ thể cũng như điều chỉnh lượng thuốc đưa vào cơ thể. Những lần thực hiện đo đường huyết tốt nhất nên thực hiện vào thời điểm trước và sau ăn hay trước lúc đi ngủ.
Bà bầu bị tiểu đường nên ăn gì?
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ
Các chuyên gia y tế đã nhận định rằng 70-85% bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát được lượng đường huyết của mình mà không cần có sự can thiệp của thuốc. Do đó việc xây dựng một chế độ ăn của người bị tiểu đường thai kỳ là vô cùng cần thiết và cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:
- Không cắt hoàn toàn đường ra khỏi bữa ăn của bà bầu vì điều này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến biến chứng hạ đường huyết.
- Lượng carbohydrate cung cấp vào cơ thể chiếm từ 30 – 45% lượng calo nạp vào cơ thể. Trong đó những thực phẩm này nên được chia nhỏ thành nhiều bữa, bao gồm 3 bữa chính và từ 2 đến 4 bữa phụ trong ngày để tránh đường huyết tăng quá cao sau khi ăn bữa chính.
- Tăng cường bổ sung protein vào cơ thể: Những chất này có ảnh hưởng ít đến đường máu và đảm bảo dinh dưỡng lớn cho mẹ bầu nên các bạn mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm khi ăn lượng nhiều các loại thực phẩm thuộc nhóm này. Ngoài ra bổ sung protein cũng kích thích vị giác, tạo cảm giác thèm ăn cho thai phụ.
- Bổ sung vitamin cần thiết cho bà bầu để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho mẹ và bé. Theo khuyến cáo, các mẹ bầu cần bổ sung lượng acid folic là 5mg/ngày và từ tuần thứ 12 trở đi, nó sẽ được duy trì trong khoảng từ 0,4 – 1mg/ngày cho đến khi cho con bú.
- Kiểm soát cân nặng của mình để duy trì một vóc dáng khỏe mạnh cho bản thân mình.
- Bổ sung lượng calo đảm bảo với nhu cầu của các mẹ bầu:
Tăng 350 Kcal/ngày đối với các bà mẹ trong 6 tháng cuối của thai kỳ.
Tăng 550 Kcal/ngày đối với các bà mẹ trong giai đoạn đang cho con bú.
Những thực phẩm phụ nữ tiểu đường thai kỳ nên ăn
Trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu có những thực phẩm nên được bổ sung trong giai đoạn thai kỳ nhưng có những thực phẩm cần phải hạn chế để kiểm soát đường huyết một cách tốt nhất.
Những thực phẩm cần phải bổ sung
- Những thực phẩm có hàm lượng protein cao: Thịt nạc, cá, đậu hũ, sữa không chứa đường.
- Bổ sung tinh bột bởi những loại thực phẩm có chứa hàm lượng thấp và tốt cho sức khỏe: các loại hạt, gạo lứt, đậu đỗ, rau xanh, các loại trái cây chứa hàm lượng đường ít trong đó.
Một số thực phẩm sau đây có thể gợi ý cho bạn trong thực đơn hàng ngày
- Trứng hoặc lòng trắng trứng.
- Phần ức gà đã bỏ da.
- Cá được nướng không sử dụng thêm dầu mỡ.
- Bắp.
- Rau luộc.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì?
Những thực phẩm cần hạn chế trong chế độ ăn của bà bầu tiểu đường thai kỳ
- Những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao: bánh kẹo, kem, chè, sữa có đường,…
- Thực phẩm chứa hàm lượng muối cao, những thực phẩm đóng gói, đóng hộp đề phòng việc tăng huyết áp.
- Hạn chế ăn các loại trái cây chứa quá nhiều đường.
- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn hoặc nước ngọt.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, những đồ ăn được chiên quá nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm chứa quá nhiều tinh bột như gạo trắng, khoai tây, bánh mì, các loại bánh ngọt, bánh nướng.
Xem thêm: Dấu hiệu bệnh tiểu đường cần lưu tâm và cách phòng ngừa hiệu quả
Thực đơn hàng ngày cho bà bầu bị tiểu đường
Tùy vào khẩu vị cũng như tính toán lượng calo và lượng đường cung cấp vào cơ thể mà các mẹ bầu có thể tự xây dựng thực đơn riêng cho mình. Sau đây là bảng thực đơn gợi ý mà các mẹ bầu có thể tham khảo, từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu cũng như khẩu vị và điều kiện của bản thân.
Thời gian | Thực đơn 1 | Thực đơn 2 | Thực đơn 3 |
Sáng | Trứng luộc: 2 quả
Bắp ngô luộc: 2 bắp Bơ: ⅓ quả Salad rau: 1 phần |
Trứng ốp la: 1 quả
Sinh tố thanh long ruột đỏ: 1 ly |
1 bát phở bò gồm 200g bánh phở, 150g thịt bò, 50g rau thơm. |
Trưa | Cơm trắng: 1 bát
Cá kho tộ: 150g cá Rau muống luộc: 200g Canh mồng tơi nấu tôm Mận: 200g |
Gạo lứt: 1 chén
Ức gà nướng hoặc luộc: 200g Salad bắp cải: 1 phần đủ ăn Canh đu đủ: gồm 130g đu đủ và 30g thịt heo Dâu tây: 200g |
Khoai lang luộc: 200g
Salad rau: 1 phần Cá kho: 1 phần Súp bí đỏ: 1 phần Chanh leo: 3 quả có thể ép thành nước uống |
Xế trưa | Sữa tươi không đường: 200ml | Sữa chua không đường: 2 hộp | Salad bơ |
Tối | Cơm trắng: 2 bát
Đậu phụ nhồi thịt: 1 miếng Canh bí xanh gồm 120g bí và 30g thịt lợn. Bưởi: 150g |
Cơm gạo lứt: 1 bát
Tôm nướng: 100g Canh rau nấu thịt: 30g gam thịt và 150g rau cải Kiwi: 3 quả |
Cháo yến mạch nấu tôm: 150g yến mạch, 50g tôm
Bắp luộc: 1 bắp 1 phần Salad rau |
Giải đáp băn khoăn của các thai phụ mắc tiểu đường
Bị tiểu đường thai kỳ có nên uống sữa tươi không đường không?
Câu trả lời là có. Sữa không đường có chứa một lượng rất nhỏ đường nên hầu như không ảnh hưởng đến đường huyết của bệnh nhân. Ngoài ra, những chất dinh dưỡng vốn có trong sữa như protein, vitamin, khoáng chất đều có đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Trong quá trình mang thai, bạn không nên sử dụng các loại sữa bột hay sữa tươi uống hàng ngày vì đường máu cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bị tiểu đường thai kỳ có nên uống nước dừa không?
Nước dừa là một thực phẩm vô cùng quan trọng đối với phụ nữ có thai. Nó có tác dụng thanh nhiệt cũng như là nguồn thức uống tốt cho tim mạch, sỏi thận cũng như bệnh tiểu đường. Tuy nhiên việc uống nước dừa cần có sự tham khảo của các bác sĩ vì nếu bổ sung quá nhiều là việc không an toàn cho bà bầu bị tiểu đường. Một số lưu ý khi sử dụng nước dừa trong thai kỳ:
- Không sử dụng hoặc hạn chế mức tối đa việc sử dụng nước dừa trong vòng 3 tháng trước thai kỳ.
- Không uống nước dừa khi cảm thấy mệt mỏi.
- Không uống nước dừa với lượng quá nhiều: Tuy nước dừa chứa một lượng ít đường nhưng việc lạm dụng sẽ khiến tình trạng trở nên nặng hơn.
- Không ăn cùi dừa vì trong cùi dừa có chứa acid béo vì chúng có thể khiến bệnh tiểu đường thai kỳ của các mẹ bầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Đồ ăn vặt có tốt cho mẹ bầu tiểu đường?
Việc ăn đồ ăn nhanh hay ăn vặt hoàn toàn không có lợi cho các mẹ bầu bị tiểu đường. Những đồ ăn này cần được hạn chế để đảm bảo đường huyết ổn định đồng thời cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Một số lời khuyên để mẹ và bé khỏe mạnh
Sau đây là một số lời khuyên dành cho cả mẹ và bé để đảm bảo một sức khỏe ổn định nhất:
- Biến chứng tiểu đường thai kỳ là một biến chứng rất hay gặp ở phụ nữ có thai. Do đó việc khám định kỳ sức khỏe là vô cùng cần thiết. Ngoài siêu âm thai, bạn nên thực hiện các xét nghiệm thử đường huyết để phát hiện ra sớm, đồng thời có những biện pháp thiết thực để giảm lượng đường huyết trong máu.
- Mặc dù việc ăn uống theo chế độ của bà bầu bị tiểu đường rất khó khăn và thậm chí không đáp ứng hết khẩu vị của các mẹ, tuy nhiên để đảm bảo cho mình và con một sức khỏe đảm bảo nhất thì việc cần làm là tuân thủ nghiêm túc.
- Bên cạnh việc ăn uống đúng chế độ, những bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp sức khỏe của bạn được tốt hơn, đường huyết được kiểm soát một cách tốt nhất.
- Nếu thấy bất kỳ những bất thường nào trong quá trình mang thai, cần đến tìm bác sĩ ngay để có những biện pháp cấp cứu kịp thời.