Xã hội ngày càng phát triển cùng với các bệnh lý có xu hướng trẻ hóa ngày càng cao, nổi bật trong đấy là bệnh tiểu đường. Chắc hẳn ít ai xa lạ với bệnh tiểu đường bởi dấu hiệu nhận biết rõ ràng là đường huyết cao quá mức bình thường. Tuy nhiên ít ai lại biết được bệnh có thể truyền nhiễm và lây lan không, có lây qua đường nước bọt, đường máu, ăn uống hay qua quan hệ tình dục. Để giải đáp được thắc mắc của các bạn đọc, bài viết dưới đây Thị trường nước ngoài sẽ cung cấp các thông tin cần thiết, chính xác về căn bệnh này.
Tổng quan về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường, hay còn được gọi là đái tháo đường là bệnh lý xảy ra khi các tế bào, mô, cơ quan mất khả năng hấp thụ glucose, dẫn đến nồng độ glucose trong máu vượt quá mức bình thường, vì vậy cơ thể buộc phải đào thải qua đường nước tiểu nên dẫn đến tình trạng tiểu đường.
Bệnh thường diễn biến trong thời gian dài, dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Không chỉ vậy, tiểu đường còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề và có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác như suy tim, suy thận, bệnh lý mạch vành, bệnh lý vi mạch, cao huyết áp, bệnh lý bàn chân.
Bệnh tiểu đường hiện nay có 3 loại chính:
- Đái tháo đường typ 1: đây là bệnh lý xảy ra khi cơ thể mất hoàn toàn khả năng sản xuất hormone insulin và hay gặp ở trẻ em hơn người trưởng thành.
- Đái tháo đường typ 2: đây là bệnh phổ biến hiện nay với tỷ lệ số người mắc rất cao, lên đến hơn 90% số người mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh do cơ thể xảy ra tình trạng kháng insulin- tức rối loạn quá trình chuyển hóa đường, tế bào không hấp thu được đường, lâu dần gây giảm khả năng bài tiết insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: đây là biểu hiện thường hay gặp ở phụ nữ mang thai. Khi đó, hàm lượng đường trong máu sản phụ vượt quá ngưỡng bình thường.
Bệnh có biểu hiện chính như sau:
- Ăn nhiều: dù lượng đường trong máu rất cao, nhưng các cơ quan lại không thể hấp thu được gây thiếu hụt năng lượng, hoạt động kém so với bình thường và người bệnh lầm tưởng là do đói nên bổ sung thêm nhiều thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi ăn, người bệnh vẫn không cảm thấy no do vẫn không nhận được năng lượng,vẫn tiếp tục ăn, làm nồng độ đường trong máu ngày càng tăng.
- Tiểu tiện nhiều: để đảm bảo vấn đề sức khỏe nên khi thấy hàm lượng đường huyết cao quá mức bình thường, cơ thể sẽ tăng cường đào thải glucose trong máu qua thận và ra ngoài nhờ đường nước tiểu. Điều này sẽ dẫn đến một vấn đề, là khi nồng độ glucose trong nước tiểu cao, để cân bằng được áp suất thẩm thấu, nước sẽ được kéo vào bên trong lòng ống thận làm tăng thể tích nước tiểu vì vậy dẫn đến tình trạng tiểu nhiều.
- Uống nhiều: do hàm lượng đường cao, cơ thể cần nước để áp suất thẩm thấu được cân bằng, sẽ kích thích trung tâm khát, người bệnh sẽ uống nhiều nước.
- Gầy nhiều: vì cơ thể không hấp thu được đường, thiếu năng lượng, tình trạng này sẽ ngày càng nặng dần, buộc các mô mỡ dự trữ được huy động để chuyển hóa thành đường, cung cấp năng lượng cho cơ thể nên người bệnh sẽ gầy đi trông thấy.
Tiểu đường gây nên nhiều biến chứng nặng nề, đặc biệt là ở các cơ quan sau:
- Thần kinh: bệnh thường khiến người bệnh mệt mỏi, đau đầu, đồng thời vã mồ hôi, tim đập nhanh.
- Tim: theo thống kê cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường gặp nhiều biến chứng về tim mạch hơn hẳn người bình thường, huyết áp tăng cao dần dần, người bệnh khó nhận biết bệnh, lâu ngày có thể dẫn đến suy tim, tai biến mạch máu não thậm chí còn có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong.
- Thận: do thận phải tăng cường hoạt động để bài tiết lượng đường dư thừa trong máu trong thời gian dài, nên dễ dẫn đến tình trạng suy thận, giảm khả năng lọc và bài tiết các chất độc của cơ thể.
- Mắt: lượng đường huyết cao khiến cho các mao mạch bị tổn thương, dẫn đến thị lực bị suy giảm, có thể dẫn đến mờ mắt và mù lòa.
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng do tiểu đường thường hay gặp ở hai chi. Chỉ với một vết thương nhỏ, nhưng do đường huyết cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nên có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn, khó lành.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Dấu hiệu, điều trị và chế độ ăn
Hormone Insulin
Để có thể tìm hiểu rõ về việc lây lan của bệnh tiểu đường, bạn cần biết thêm một số thông tin về hormone insulin như sau:
- Hormone vốn là các chất hóa học được một số tế bào bài tiết và được vận chuyển theo hai con đường khác nhau là máu hoặc ống tiết để có thể đến các tế bào khác với chức năng là điều hòa hoạt động của tế bào, cơ quan đó. Trong cơ thể, có thể kể tên khá nhiều hormone có khả năng tăng lượng đường trong máu như corticoid, glucagon, adrenalin… Các hormone này được bài tiết nhiều hơn khi cơ thể thiếu năng lượng, cần được bổ sung thêm đường ( vì đường có thể chuyển hóa thành ATP- dạng năng lượng cung cấp cho các tế bào, mô và cơ).
- Nhưng chỉ có duy nhất một hormone có khả năng làm giảm đường huyết- đó là insulin. Insulin là hormone được tiết ra từ tế bào beta đảo tụy và đây là một hormone ngoại tiết nên sẽ được vận chuyển theo đường máu.
Insulin có những vai trò như sau:
- Giúp các cơ tế bào, mô và các cơ quan hấp thu được glucose, vì vậy sẽ làm giảm nồng độ glucose trong máu.
- Tăng cường huy động các mô mỡ, lipid, protein để tổng hợp năng lượng.
- Thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose thành glycogen để dự trữ trong gan. Đồng thời, làm chậm quá trình ngược lại là chuyển glycogen thành glucose.
Nguyên nhân bị tiểu đường
Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh là do tình trạng thiếu hụt hormone insulin hoặc cơ thể bị kháng insulin nên không thế hấp thu được đường nên lượng đường trong máu tăng cao:
- Đối với đái tháo đường typ 1: do 3 yếu tố chính: di truyền, môi trường và miễn dịch. Những người có hệ gen đặc biệt như HLA- DW8, kháng B7… khi gặp được các yếu tố môi trường thuận lợi cho bệnh như bị suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm virus… thì sẽ làm kích hoạt hệ thống miễn dịch là các tế bào lympho, cả lympho B và lympho T. Lympho T sẽ hoạt hóa các đại thực bào để tiêu diệt tế bào beta đảo tụy, còn lympho B sẽ sản xuất các kháng thể kháng tế bào beta, gây ra tình trạng tự miễn. Chính vì vậy, tế bào beta đảo tụy bị tiêu diệt, cơ thể mất hoàn toàn khả năng tiết insulin.
- Đối với đái tháo đường typ 2: các tế bào bị kháng insulin do một số receptor gắn vào insulin, giúp vận chuyển đường từ máu vào trong tế bào bị bất hoạt, tế bào nhận được rất ít năng lượng từ đường nên cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách tăng cường tiết insulin. Tuy nhiên, việc bài tiết quá mức làm tế bào beta đảo tụy bị suy giảm chức năng,số lượng hormone insulin được bài tiết giảm dần, lượng đường được hấp thu ngày càng giảm giảm, yêu cầu tăng cường sản xuất insulin càng cao. Điều này đã vô hình chung càng làm tế bào beta đảo tụy suy kiệt thêm, dần dần mất khả năng bài tiết insulin.
- Đối với đái tháo đường thai kỳ: khi mang thai, nhau thai đã gây kích thích, làm cho một số tế bào có hiện tượng kháng insulin. Các tế bào beta đảo tụy sẽ được tăng cường trong trường hợp này, tuy nhiên, nếu lượng insulin được sản xuất không đủ để bù đắp thì sẽ gây nên đái tháo đường thai kỳ.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngoài những nguyên nhân đến từ bên trong cơ thể như trên đã giới thiệu, trong phạm vi bài viết, sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh và các đối tượng có nguy cơ mắc tiểu đường:
- Những người ở độ tuổi trung niên, từ 40 tuổi trở lên: có thể nói, đái tháo đường typ 1 là bệnh phổ biến, hay gặp ở trẻ em còn đái tháo đường typ 2 là bệnh của người trưởng thành. Bệnh diễn ra mạn tính, dai dẳng, người bệnh thường chung sống nhiều năm với bệnh.
- Người bị bệnh béo phì, thừa cân. Có suy nghĩ rằng đái tháo đường chỉ là vấn đề cần quan tâm ở người béo phì. Suy nghĩ này là chưa đúng. Đái tháo đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi người, mọi địa điểm, kể cả người béo hay gầy. Tuy nhiên, bệnh này hay gặp hơn ở người béo phì, thừa cân, do có nhiều mô mỡ, gặp khó khăn trong việc chuyển hoá đường, dễ dẫn đến tình trạng kháng insulin.
- Người có tiền sử hoặc đang mắc bệnh lý cao huyết áp. Các khảo sát thực tế cho thấy rằng, hơn 70% những người bị cao huyết áp đều mắc thêm mắc tiểu đường. Khi đó, người bệnh dễ dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, dễ tắc các mạch máu nhỏ, đặc biệt là ở não, gây nên nhiều biến chứng nặng nề như đột quỵ.
- Những người có tiền sử bệnh lý gia đình là rối loạn khả năng dung nạp đường, đặc biệt là khi đói.
- Người ít tập thể dục thường xuyên: việc lười tập thể dục có khả năng làm cho quá trình hấp thu, chuyển hóa đường trong cơ thể bị chậm trễ, dễ dẫn đến tình trạng kháng insulin.
- Người có chế độ ăn nhiều đường: cũng có nhiều bạn đọc lầm tưởng rằng ăn nhiều đường sẽ dẫn đến mắc bệnh tiểu đường. Điều đó là hoàn toàn sai. Ăn nhiều đường không hề là nguyên nhân gây nên bệnh, nhưng nó lại là một trong những yếu tố tác nhân quan trọng dẫn đến mắc bệnh. Khi bạn sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, insulin trong cơ thể sản xuất ra không đủ để hấp thụ, làm cho hàm lượng đường trong máu tăng lên. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài dễ dẫn đến suy kiệt tế bào beta đảo tụy, lượng insulin giảm dần, và mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có lây không?
Bệnh tiểu đường là bệnh khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là đái tháo đường typ 2 nên rất nhiều người thắc mắc là bệnh có lây được không, nếu lây lan thì lây qua con đường nào. Chúng tôi xin giải đáp các nghi vấn của bạn đọc như sau:
Bệnh tiểu đường có lây qua đường nước bọt không?
Bệnh không hề lây lan qua đường nước bọt bởi đây là bệnh lý về vấn đề chuyển hóa glucose của cơ thể, cơ thể không hấp thụ được glucose chứ không phải là do vi khuẩn hay virus như viêm gan B, cúm nên không lây qua đường nước bọt.
Bệnh tiểu đường có lây qua đường tình dục không?
Mắc bệnh tiểu đường khiến nhiều người lo lắng, mất tự tin khi quan hệ tình dục do sợ bệnh lây lan. Thực tế, bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này do tiểu đường không phải là bệnh lý nhiễm trùng, cũng như virus hay vi khuẩn, nên sẽ không lây qua đường tình dục. Dù vậy, tiểu đường cũng ảnh hưởng phần nào đến việc quan hệ tình dục vì bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy giảm sinh lý, ở cả nam và nữ. Ở nam, việc mắc bệnh sẽ dẫn đến tình trạng xuất tinh sớm hoặc cương dương. Còn nữ giới mắc bệnh sẽ khiến âm đạo trở nên khô rát, khó chịu, đồng thời làm giảm cảm giác ham muốn, thậm chí, nếu bệnh diễn biến nặng nề, còn có thể gây vô sinh.
Tiểu đường có lây qua đường ăn uống không?
Bệnh tiểu đường không lây lan qua đường ăn uống, nên bạn không cần lo lắng việc đi ăn với bạn bè và người thân.
Bệnh tiểu đường có lây qua đường máu không?
Như ở trên đã nhắc đến là tiểu đường không phải là bệnh gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, mắc virus nên bệnh cũng không có khả năng lây qua đường máu giống như các bệnh viêm gan B hay HIV.
Các yếu tố gia đình có ảnh hưởng đến con đường lây bệnh
Bệnh tiểu đường không hề lây lan, nhưng bạn vẫn cần chú ý để có thể phòng và phát hiện bệnh kịp thời để điều trị ngay, tránh bệnh diễn biến nguy hiểm. Trong đó, yếu tố gia đình dù không phải là nguyên nhân nhưng cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra bệnh.
Đầu tiên, vấn đề di truyền là một trong những yếu tố tiên phát gây ra bệnh đái tháo đường typ 1, còn với đái tháo đường typ 2, nếu người bố hoặc mẹ mắc bệnh thì người con sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn hẳn những người khác. Và tỷ này có thể tăng lên gấp mấy lần nếu cả bố và mẹ mắc bệnh. Có khá nhiều suy nghĩ là nhà mình không có ai có tiền sử hoặc đang mắc bệnh tiểu đường nên mình không phải lo lắng về nguy cơ mắc bệnh, và nó hoàn toàn sai lầm. Bệnh ở gặp ở nhiều người, nhiều lứa tuổi nên bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh nên không nên chủ quan.
Tiếp đến, trong gia đình thì con cái bị ảnh hưởng lớn cũng như có chế độ ăn uống, sinh hoạt giống bố mẹ, nên nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì con cái cũng có khả năng cao mắc tiểu đường. Vì hai nguyên nhân trên, mà bệnh thường có diễn biến xảy ra theo gia đình.
Các biện pháp phòng bệnh tiểu đường
Phòng bệnh tiểu đường- đây là điều mà bạn cần biết để có thể bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình, bạn bè vì bệnh sẽ gây nên nhiều biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận, cao huyết áp, bệnh lý võng mạc…, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay thì bệnh đái tháo đường typ 1 liên quan đến vấn đề di truyền nên chưa có biện pháp phòng bệnh, còn với đái tháo đường typ 2 thì bạn hoàn toàn có thể loại bỏ nguy cơ gây nên bệnh. Để làm được điều đó, bạn nên:
- Sử dụng chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, đủ chất. Nhiều người nghĩ để phòng tiểu đường, họ cần ăn các thực phẩm chứa ít đường, và những người đang trong quá trình điều trị bệnh thì cần kiêng ăn, không sử dụng đường hoặc thực phẩm chứa đường nhưng điều đó là không đúng. Kể cả những người đang điều trị bệnh thì vẫn có thể ăn đường vì bệnh tiểu đường không phải do ăn nhiều đường gây ra mà do rối loạn quá trình chuyển hóa đường, đường không được hấp thu vào các tế bào. Tuy nhiên, người bệnh sẽ sử dụng đường trong mức độ vừa phải, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của bác sĩ. Đồng thời, cần cung cấp và bổ sung đầy đủ các khoáng chất, đặc biệt là nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả, hạt.
- Tăng cường tập thể dục thường xuyên như đi bộ, đạp xe… điều này không chỉ giúp cho quá trình hấp thu đường ở các tế bào, mô, cơ tốt hơn, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, thừa cân và tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Không sử dụng các thực phẩm chứa các chất kích thích như bia, rượu và thuốc lá.
- Chú ý thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; ngủ đủ giấc, đúng giấc. Hạn chế thức khuya kéo dài.
Xem thêm: Bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân, Triệu chứng & Các biến chứng bệnh
Kết luận
Tiểu đường là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ người mắc ngày càng cao hiện nay và có xu hướng trẻ hóa dần. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về tim, thận, mắt, thần kinh và nhiễm trùng, nếu nặng còn có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong. Việc tìm hiểu và nắm rõ về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, đối tượng mắc và khả năng lây lan cũng như phòng bệnh luôn là cần thiết để có thể giữ cho bản thân và gia đình, bạn bè một sức khỏe tốt.
Cảm ơn bạn đã đón đọc, hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu hiệu và cần thiết.
Nếu còn gì chưa rõ bạn có thể gửi câu hỏi về cho trang web, Thị trường nước ngoài luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc cho bạn.
Nguồn tham khảo
Is Diabetes Contagious? And Other Myths Debunked: https://www.healthline.com/health/diabetes/is-diabetes-contagious